Diễn đàn doanh nghiệp Ngành Nhôm Việt Nam 2025 – Thành công tốt đẹp
Diễn đàn là chương trình đối thoại sâu rộng, nhằm tạo cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, cơ quan quản lý và nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh ngành nhôm Việt Nam đang chịu nhiều sức ép từ hội nhập quốc tế, xu thế chuyển đổi xanh và các rào cản thương mại toàn cầu.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, lãnh đạo VAA cho biết, ngành nhôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, từ biến động kinh tế - địa chính trị, đến áp lực về tiêu chuẩn môi trường, ESG (môi trường, xã hội, quản trị) cũng như các rào cản thuế quan và phi thuế quan từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc.
Diễn đàn lần này nhằm tập trung nhận diện đầy đủ những khó khăn đó, đồng thời cùng bàn thảo các giải pháp để doanh nghiệp nhôm Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với 4 chủ đề trọng tâm được đưa ra tại Diễn đàn gồm: Biến động kinh tế - địa chính trị và xu hướng thị trường nhôm toàn cầu; Thực trạng sản xuất – chế biến – xuất nhập khẩu của ngành nhôm Việt Nam; Cơ hội và rào cản khi thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA); Hướng đi cho chuyển đổi xanh, tiêu chuẩn ESG, đổi mới công nghệ và phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình, tọa đàm chuyên đề “Nhận diện cơ hội và thách thức của ngành nhôm Việt Nam” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Các diễn giả như bà Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban IV (Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ); ông Phan Đức Hiếu – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội; kiến trúc sư Đặng Kim Khôi – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Cục Xúc tiến thương mại, ĐHQG Hà Nội… đã tham gia trao đổi, chia sẻ nhiều góc nhìn thực tiễn, từ chính sách cho đến kinh nghiệm quốc tế.
Đặc biệt, sự kiện vinh dự đón tiếp ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và TS. Nguyễn Quang Hiệp – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), khẳng định vai trò gắn kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ngành nhôm Việt Nam một cách bài bản, có chiều sâu.
Theo báo cáo tại diễn đàn, sản lượng nhôm toàn cầu năm 2024 đạt 72,863 triệu tấn, trong đó Trung Quốc dẫn đầu với sản lượng tới 43,396 triệu tấn, chiếm 60% toàn thế giới. Các khu vực khác như Vùng Vịnh (9%), Nga và Đông Âu (6%), Bắc Mỹ (5%), Tây Âu (4%), Châu Á khác (7%)… vẫn duy trì vai trò nhất định. Đáng chú ý, Việt Nam hiện chưa sản xuất nhôm sơ cấp (tức nhôm điện phân), mà chủ yếu nhập khẩu phôi nhôm để chế biến sâu.
VAA nhận định ngành nhôm Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn:
Các thị trường lớn liên tục dựng lên rào cản thuế quan, phi thuế quan, đặc biệt các quy định về môi trường khắt khe hơn.
Nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại gia tăng, do Mỹ và một số nước đã khởi xướng nhiều vụ điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm nhôm xuất khẩu từ Việt Nam và châu Á.
Áp lực từ xu thế chuyển đổi xanh, thực thi tiêu chuẩn ESG ngày càng gay gắt trong khi phần lớn doanh nghiệp còn thiếu vốn, thiếu công nghệ và thiếu nhân lực kỹ thuật để đáp ứng.
Các doanh nghiệp nhôm trong nước cũng gặp nhiều khó khăn nội tại, như chi phí đầu vào cao (điện, nguyên liệu, logistics), quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thương hiệu yếu và thiếu khả năng cạnh tranh ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Cũng tại diễn đàn, Hiệp hội Nhôm Việt Nam đã cùng các chuyên gia đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp như: Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, quản trị theo tiêu chuẩn ESG;Hỗ trợ tín dụng xanh, ưu đãi thuế suất (đề nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm sau ép đùn 7604 từ 5% về 0%); Đề nghị đàm phán với Mỹ để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, giảm thuế về mức thấp nhất…
Tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến pháp luật để doanh nghiệp hiểu rõ cơ chế phòng vệ thương mại, chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình; Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đặc biệt về luyện kim, số hóa, quản lý phát thải… nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất mới.
Tại Diễn đàn VAA cũng kêu gọi các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng thương hiệu nhôm Việt mạnh, ổn định chất lượng để dần thay thế hàng nhập khẩu, mở rộng thị trường bằng cách tận dụng tốt các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời, cảnh báo các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý rủi ro bị điều tra lẩn tránh thuế do xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các nước khác vào Việt Nam đang gia tăng.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và nhiều đơn vị nghiên cứu cũng cho biết sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, từ đó chủ động đón đầu cơ hội xuất khẩu, đồng thời bảo vệ thị phần và chuỗi giá trị nội địa.
