Giá nhôm lên cao kỷ lục và còn có thể tăng thêm 10% trong thời gian ngắn
Giá nhôm tăng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có thiếu điện ở Trung Quốc. Thiếu điện đang ảnh hưởng đến cuộc sống và kinh tế tại Trung Quốc, lan rộng ra toàn cầu.
Nguồn cung nhôm thiếu hụt do nhiều yếu tố khiến nhiều chuyên gia đánh giá mặt hàng này sẽ tiếp tục đà tăng trong tương lai.
Sản xuất nhôm tốn nhiều điện
Sản xuất nhôm vốn là ngành tốn rất nhiều điện. Để sản xuất được 1 tấn nhôm, lượng điện cần thiết tương đương với trung bình một hộ gia đình ở Anh có thể sử dụng trong 3 năm. Do đó, nhôm là một trong những ngành phải cắt giảm lượng tiêu thụ điện đầu tiên ở Trung Quốc.
Ông Mark Hansen, giám đốc điều hành tại công ty thương mại Concord Resources Ltd., có trụ sở tại London, cho biết sản lượng nhôm ở Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh, ít nhất là trong ngắn hạn.
Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ sự thay đổi của xuất khẩu nhôm Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Quốc gia này vẫn là một trong những lực cung lớn nhất thị trường toàn cầu về nhôm, khi giá được hỗ trợ một phần bởi các khoản giảm thuế.
James Luke, giám đốc mảng hàng hóa tại Schroders, nhận định với tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc và các biện pháp cắt giảm sản lượng ở nước này, có vẻ việc xuất khẩu của Trung Quốc không còn hợp lý. Chuyên gia tại Goldman Sachs cũng cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ điều chỉnh lại các chính sách liên quan đến xuất khẩu để làm chậm dòng chảy kim loại ra nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đang nhập khẩu ngày càng nhiều hôm vì áp lực sản xuất trong nước và nhu cầu gia tăng. Các chuyên gia dự đoán, Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu khối lượng nhôm lớn trong thời gian tới. Điều này có thể khiến phần còn lại thế giới thiếu hụt nhôm và làm tăng nguy cơ giá tăng đột biến.
Giá điện tăng cao, gây áp lực cho việc khởi động lại các nhà máy
Giá nhôm tăng vọt trong năm nay thúc đẩy các nhà sản xuất ở nhiều nơi mở lại các nhà máy cũ và xem xét bổ sung nguồn cung mới. Tuy nhiên, sự tăng vọt về chi phí điện năng đang gây áp lực lên các lò luyện và có thể gây khó khăn cho việc khởi động lại.
Ví dụ, nếu một nhà máy luyện nhôm ở Đức phải chịu mức phí điện cơ bản trong một tháng như hiện nay thì chi phí sản xuất một tấn kim loại sẽ lên tới 4.000 USD, vượt xa giá nhôm trên thị trường.
Eoin Dinsmore, nhà nghiên cứu thuộc CRU, nhận định nguồn cung thị trường nhôm toàn cầu trong năm 2022 sẽ eo hẹp nhất từ trước đến nay. Trong điều kiện nguồn cung thiếu hụt và cần kích thích đầu tư sản xuất nhôm bên ngoài Trung Quốc, giá mặt hàng này có thể lên tới 3.400 USD/tấn trong 12 tháng tới.
Theo Statista, năm 2020, Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều nhôm nhất thế giới với sản lượng 37 triệu tấn. Ấn Độ và Nga đứng ở vị trí thứ 2 với 3,6 triệu tấn.
Theo hiephoinhom.vn