Tăng kỷ lục 40% năm 2021, giá nhôm dự tiếp tục leo thang trong năm 2022

04/01/2022 - Tác giả: Grando
Năm 2021, giá nhôm đã có một năm tăng “chóng mặt”, có lúc tăng hơn 60%, chạm mức giá đỉnh kỷ lục trong hơn một thập kỷ 3.200 USD/tấn. Nhưng, các chuyên gia dự đoán, giá nhôm vẫn sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2022.

Nhìn lại một năm qua, nhôm – ngành kim loại phổ biến thứ 2 trên thế giới, chỉ sau thép – đã có giá nhảy vọt 40% từ mức 2.004 USD/tấn (ngày 1/1/2021) lên 2807 USD/tấn (ngày 31/12/2021) chỉ trong vòng 12 tháng. Dù vậy, giá nhôm đạt đỉnh vào giữa tháng 10/2021 chạm mốc 3.200 USD/tấn là mức giá kỷ lục trong 13 năm, tính từ tháng 7/2008.

Biến động giá nhôm năm 2021. Nguồn: Trading Economics

Biến động giá nhôm năm 2021. Nguồn: Trading Economics

Giá nhôm tăng vọt chưa từng thấy như vậy được giải thích bởi 3 nguyên nhân chính: nhu cầu phục hồi sau đại dịch, nguồn cung bất ổn định và khủng hoảng giá năng lượng.

Giá nhôm tăng vọt vì nhu cầu phục hồi sau đại dịch

Sự phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia đã làm tăng nhu cầu đối với các kim loại khác nhau, bao gồm cả nhôm. Trong năm 2021, hoạt động kinh tế đã gia tăng đáng kể ở châu Á, khu vực tiêu thụ kim loại lớn nhất, dẫn đầu bởi sự nhu cầu ngày càng lớn của Trung Quốc.

Theo đó, chỉ tính trong nửa năm đầu 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,5 triệu tấn nhôm từ nước ngoài, cao hơn 52% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu và Hoa Kỳ cũng đang phục hồi nhanh chóng cho thấy có khả năng duy trì tăng trưởng với chính sách hỗ trợ của các chính phủ. Đối với Mỹ - nhà nhập khẩu nhôm lớn nhất thế giới – cũng tăng 4.5% lượng nhôm nhập khẩu trong 3 quý đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu về nhôm đang tăng lên từ nhiều lĩnh vực khác nhau như bao bì, xây dựng, thiết bị điện và các sản phẩm tiêu dùng khác. Ngành công nghiệp ô tô cũng đang tăng cường sử dụng nhôm để giảm trọng lượng của ô tô và đạt được hiệu quả sử dụng nhiên liệu cao hơn vì kim loại này nhẹ hơn thép tới 65%, bên cạnh việc nhôm bền và có thể tái chế. Cùng với đó, nhu cầu về nhôm cũng tăng do được sử dụng sản xuất xe điện – mặt hàng phương tiện giao thông đang tăng trưởng mạnh để thay cho các phương tiện xăng dầu, hướng đến mục tiêu xanh.

Nguồn cung nhôm bất ổn định

Dù ngành nhôm đã bị dư thừa công suất trong nhiều năm trước, nhưng đến năm 2021, nguồn cung lại trở nên khan hiếm. Hồi đầu tháng 8/2021, một nhà máy lọc bô-xít quặng nhôm lớn ở Jamaica đã buộc phải đóng cửa do hỏa hoạn, bước đầu tạo ra những gợn sóng trên thị trường và đẩy giá nhôm tăng lên. Tiếp đó, tháng 9/2021, giá bô-xít quặng nhôm tăng vọt do bất ổn sau cuộc đảo chính ở Guinea, quốc gia sản xuất quặng lớn thứ hai thế giới và là nhà cung cấp chính cho Trung Quốc. 

Tăng kỷ lục 35% năm 2021, giá nhôm dự tiếp tục leo thang trong năm nay - Ảnh 2.Sản phẩm nhôm của nhà máy tại Trung Quốc. Nguồn: Business today

Song song với đó, những thay đổi trong việc sản xuất nhôm ở Trung Quốc – nhà xuất khẩu nhôm hàng đầu thế giới – cũng tác động đẩy giá nhôm lên đáng kể. Vào giữa năm 2021, Chính quyền tỉnh Vân Nam đã ra lệnh yêu cầu cắt giảm sử dụng điện của nhà máy nhôm tại đây - nơi chiếm 10% công suất nhôm của Trung Quốc. Theo đó, năm 2021, các nhà chức trách đã yêu cầu các nhà sản xuất nhôm tại tỉnh Vân Nam đảm bảo rằng sản lượng hàng tháng từ tháng 9 hết tháng 12 không vượt quá sản lượng của tháng 8. Đồng thời, việc chính phủ Trung Quốc yêu cầu cắt giảm lượng khí thải carbon cũng ảnh hưởng đến ngành sản xuất nhôm của nước này khi các nhà máy nhôm vẫn phụ thuộc phần lớn vào các nhà máy nhiệt điện than chuyên dụng.

Cùng với đó, nguồn cung nhôm còn bị ảnh hưởng bởi sự cố nhà máy vào tháng 11 năm 2021 cũng tại tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, điều này khiến nhà máy công suất 300 nghìn tấn phải ngừng sản xuất hoàn toàn và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu cung trên thị trường trong năm qua.

Giá nhôm tăng vọt vì khủng hoảng giá năng lượng

Trong các nguyên nhân, các chuyên gia đánh giá sự bất ổn của thị trường năng lượng có tác động lớn nhất và là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhôm tăng vọt trong năm 2021.

Nhôm là kim loại có tính chất sử dụng nhiều năng lượng trong sản xuất khi cần tới 14 megawatt giờ điện cho mỗi tấn nhôm, tương đương số điện trung bình đủ để vận hành một ngôi nhà trong hơn ba năm ở Vương quốc Anh. Cường độ phát thải trên một đô la Mỹ của nhôm được tính là cao nhất so với bất kỳ kim loại nào, ở mức 10,2kg C02e/USD, vượt xa thép ở mức 5,3kg và kẽm là 1,9kg. Điều này khiến ngành công nghiệp nhôm trở thành ngành tiêu thụ năng lượng lớn thứ năm trên toàn cầu. Do đó, khi giá năng lượng tăng đáng kể, chi phí sản xuất nhôm cũng tăng đột biến trong năm 2021.

Xu hướng giá nhôm năm 2022

Nhìn sang năm 2022, các chuyên gia kinh tế dự đoán giá nhôm vẫn sẽ tiếp tục tăng ít nhất trong 6 tháng đầu năm. Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới về thị trường hàng hoá toàn cầu "Commodity Outlook", tạm dịch là "Viễn canh Hàng hoá", tổ chức này dự báo giá nhôm sẽ tiếp tục tăng ít nhất là 6% trong năm 2022. Theo phân tích của báo cáo này, giá nhôm sẽ tăng trong năm tới do nguồn cung còn hạn chế khi hoạt động sản xuất vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi khác. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng sản lượng quặng nhôm - nguyên liệu quan trọng để luyện kim loại – sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do nguồn cung ở Brazil và Jamaica bị gián đoạn.

Tăng kỷ lục 35% năm 2021, giá nhôm dự tiếp tục leo thang trong năm nay - Ảnh 3.

Biểu đồ dự đoán giá nhôm năm 2022. Nguồn: Trading Economics

Trong khi đó, Công ty đầu tư và dịch vụ tài chính đa quốc gia của Hà Lan, thuộc Tổ chức Phân tích Tài chính và Kinh tế ING Think, nhận định nhôm khả năng lớn vẫn là kim loại nổi bật trong năm tới.

"Thị trường nhôm đang chuyển sang thâm hụt cơ cấu do thiếu đầu tư vào công suất luyện kim. Mặc dù chúng ta sẽ thấy một số nhà máy luyện kim hoạt động trở lại trong năm 2022, nhưng điều đó sẽ không đủ để giảm bớt sự kham hiếm trên thị trường" - Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa của ING Think, ông Warren Patterson đưa ra đánh giá.

Cuối cùng, ING Think dự đoán giá nhôm sẽ tăng tốc để đạt mức trung bình khoảng 3.000 USD/tấn vào năm nay trong bối cảnh nhu cầu sản xuất được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế toàn cầu.


Hỗ trợ trực tuyến
Số điện thoại
© Copyright - Nhà máy nhôm GRANDO
0.02610 sec| 2332.711 kb